Diego Costa đã giẫm đạp lên người khác để vươn tới đỉnh cao như ngày nay, theo đúng nghĩa đen.
Diego Costa bị treo giò 3 trận
“Tôi lớn lên nghĩ rằng đó là chuyện bình thường”, anh từng nói về phong cách chơi bóng nhiều tiểu xảo và đậm chất đường phố của mình. Anh đã lại thể hiện điều đó tại Stamford Bridge vào tối thứ Ba. Và anh có vẻ như sẽ không thay đổi, ngay cả khi bị LĐBĐ Anh (FA) điều tra sau pha giẫm lên mắt cá của Emre Can bên phía Liverpool.
Không có gì ngạc nhiên khi Costa nhanh chóng được so sánh với Luis Suarez, một tính cách lập dị và hoang dã khác từ Nam Mỹ từng làm nổ tung các cầu trường Premier League. Những cảm nghĩ về Costa có lẽ được thể hiện tốt nhất qua nhận xét của Mario Suarez, đồng đội cũ của Costa khi còn chơi tại La Liga: “Những thay đổi của anh ấy từ chỗ là một chàng trai vui vẻ dễ gần thành một kẻ thù tàn bạo trên sân thật đáng kinh ngạc”.
Mới năm ngoái thôi, gia đình và bạn bè của Costa lên truyền hình nói về việc anh đáng sợ ra sao trong những trận đấu đường phố ở quê nhà. “Nó luôn tỏ ra quá quyết liệt và chúng tôi phải nói: 'Hãy bình tĩnh lại!'”, bố của anh, Jose de Jesus nói. “Bọn nó phải đá cùng đội nếu chúng tôi không muốn thấy các con mình đánh nhau”, mẹ của Costa, bà Josileide, nói về Diego và người anh trai Jair.
“Vấn đề là ở chỗ nó chưa bao giờ đi học một trường bóng đá chuẩn tắc nào ở Brazil và chỉ học chơi bóng trên đường phố, nơi ít luật lệ và khá hoang dại”, Jair giải thích. “Mọi người trong cả khu tập hợp lại đá bóng với nhau, một số người còn uống bia rượu trước đó và ẩu đả là chuyện thường”. Chính từ trường học đường phố đó, Costa đang chơi thứ bóng đá mang tính bản sắc của anh hiện giờ ở đỉnh cao.
“Đã có lúc tôi không còn muốn chơi bóng và muốn tìm một nghề ổn định”, Costa nói. Anh từng chuyển tới Sao Paulo làm việc cho người chú Jarminho, đi tới khu vực biên giới với Paraguay mua quần áo hàng nhái và đưa về bán ở Sao Paolo. Cuộc sống đó cũng giúp Costa thêm phần ranh mãnh, trước khi anh có lần thử việc thứ hai với CLB Barcelona Esportivo Capela ở Sao Paolo. Anh được ký hợp đồng và một tay môi giới người Bồ Đào Nha làm việc với Jorge Mendes phát hiện ra anh, dù ban đầu các tay cò lo ngại về vấn đề kỷ luật của Costa.
Anh nói: “Tôi lẽ ra đã không được đá bóng vì tôi bị treo giò 4 tháng sau khi đánh một đối thủ rồi đánh cả trọng tài. Nhưng khi tay môi giới của Mendes tới xem tôi thi đấu, HLV của tôi nói: 'Không biết có sai sót gì không, nhưng cậu đã được đá trở lại'”. Costa đã luôn chơi bóng ở ranh giới của sự điên rồ như thế, phần lớn vì những năm tháng anh chơi bóng không hề có luật lệ ở quê nhà Lagarto.
Anh mang theo tất cả tới châu Âu. Trong 130 trận đầu tiên ở Tây Ban Nha, anh nhận 6 thẻ đỏ và 43 thẻ vàng. Sau một mùa giải cho mượn ở Celta Vigo, anh lại được cho mượn ở Albacete, một đội hạng Nhì khác, và danh tiếng đá xấu đã đi trước cả tài năng. Luis Castelo là một nhà báo bóng đá của đài phát thanh Cadena Ser mùa giải đó và hiện là giám đốc truyền thông của Albacete. “Costa rất hoang dại”, Sernois nói. “Anh ấy là một chiếc xe không có phanh. Anh đối đầu với tất cả, đôi khi cả những đồng đội”.
Nhưng tính cách đó cũng biến anh thành một thủ lĩnh. Castelo nói: “Albacete lẽ ra đã rớt hạng nếu không có Diego mùa đó. Anh ấy tỏ ra là người sẵn sàng cho những điều lớn lao. Mọi người ở CLB này không bao giờ quên anh ấy. Vài năm sau đó, khi Atletico Madrid gặp Albacete ở cúp Nhà vua và bị loại, Costa đã vào phòng thay đồ của đội khách sau lượt về tại Vicente Calderon để chúc mừng các cầu thủ Albacete”.
Anh “chỉ” bị đuổi 2 lần trong mùa giải ở Albacete rồi chuyển sang Valladolid theo hợp đồng cho mượn thứ 3, dưới sự dẫn dắt của HLV Jose Luis Mendilibar, người đầu tiên yêu cầu Costa phải kiểm soát bản thân. “Cậu ấy vẫn luôn ranh mãnh và chơi tiểu xảo”, Mendilibar nói. “Nhưng điều quan trọng là không mất kiểm soát. Giờ thì anh ấy đã thông minh hơn, và biết khi nào sẽ đi quá giới hạn”.
Hợp đồng cho mượn thứ 4 của Costa ở Tây Ban Nha là với Rayo Vallecano. Anh dính một chấn thương dây chằng đầu gối vào đầu mùa 2011/12, nhưng khiến HLV thể lực của Atletico Madrid là Oscar Ortega kinh ngạc vì phục hồi nhanh chóng. Tháng 1/2012, anh đã chứng tỏ với HLV Jose Sandoval của Rayo rằng anh có thể làm được những gì.
“Khi giám đốc thể thao của chúng tôi, Felipe Minambres, nói chúng tôi có cơ hội mượn một cầu thủ đã chấn thương 5 tháng, tôi hỏi: 'Gã nào thế?'". Khi anh ấy nói đó là Costa, tôi bảo: “'Đưa tôi điện thoại, tôi sẽ nói chuyện với anh ấy'. Tôi từng đối mặt với anh ấy khi anh ấy chơi cho Albacete và tôi biết anh ấy có thể làm được những gì cho chúng tôi. Đầu tiên, anh ấy muốn thử việc 20 ngày để xem cái đầu gối ra sao. Anh ấy không muốn làm ai thất vọng”.
Costa vào sân trong giờ nghỉ ở trận đầu tiên và ghi bàn vào lưới Zaragoza cũng như khiến 2 cầu thủ đối phương phải nhận thẻ vàng. “Trận tiếp theo chúng tôi gặp Getafe trên sân nhà và mẹ anh ấy có mặt xem anh ấy ghi bàn thứ hai trước khi tôi thay anh ấy ra vì sợ dính thẻ”, Sandoval nói. “Cả sân bóng ca vang tên anh ấy. Anh ấy tới gặp tôi ngày hôm sau và nói tôi đã khiến mẹ anh ấy rất vui”.
Costa tiếp tục ghi 10 bàn trong nửa sau mùa giải 2011/12 và Sandoval nói: “Các cầu thủ khác đều trông cậy vào anh ấy. Nếu anh ấy dính chấn thương vào thứ Năm, đội bóng sẽ hoảng loạn”. Một số người coi Costa là một tiền đạo nhiều thủ đoạn, nhưng Sandoval biết ông đang có gì trong tay: “Tôi từng nói với anh ấy rằng cậu có thể trở thành một trong 3 tiền đạo hay nhất thế giới. Một trợ lý của tôi nói tôi đừng khiến anh ấy quá ảo tưởng, nhưng tôi nói tôi thực sự có ý như thế. Nếu Costa chỉ cần vượt hơn nửa mét so với hậu vệ đối phương, anh ấy sẽ không thể bị ngăn cản.
Không lâu sau đó, Diego Simeone xác nhận ông muốn Costa trở lại với Atletico Madrid và người đại diện của anh là Jorge Mendes bắt đầu liên hệ với Jose Mourinho về khả năng anh tới chơi cho một đội bóng của HLV người Bồ Đào Nha, nếu không phải là Real Madrid, thì là Chelsea. Costa nhanh chóng khẳng định vai trò tiền đạo số 1 của mình ở Atletico sau khi Radamel Falcao ra đi. Anh chơi hay tới mức trở thành một trong số ít những cầu thủ đã có thể từ chối khoác áo ĐT Brazil, mà lựa chọn chơi cho Tây Ban Nha.
“Nếu một cầu thủ Brazil từ chối chơi cho ĐTQG trước một kỳ World Cup trên sân nhà, thì anh ta tất nhiên là bị loại”, HLV ĐT Brazil khi đó, Felipe Scolari, tuyên bố trên truyền hình quốc gia về “vụ đào tẩu” của Costa năm 2013. “Nếu Tây Ban Nha giành World Cup với một bàn thắng của Costa, chúng tôi sẽ ở vào thế khó”, bố anh nói trước giải đấu. Ông đã lo lắng thừa: Tây Ban Nha bị loại ngay sau vòng bảng. “Tôi không cho rằng có thể coi anh ấy là một kẻ phản bội, và ai theo dõi Costa điều thấy đó là sai lầm của Scolari”. Giờ thì Costa mang theo tất cả những rắc rối, và tài năng của mình, tới Stamford Bridge.